Lòng đố kỵ có thể phá vỡ sự yên bình và kết thúc những mối quan hệ. Nó cũng là dấu hiệu cho thấy đã đến lúc bạn nên thay đổi. Thay vì để sự đố kỵ tác động tiêu cực đến mối quan hệ giữa bạn và những người khác, hãy xem sự xuất hiện của nó như là một lý do để hiểu rõ hơn về bản thân.
1. Hiểu về xảm xúc đố kỵ
Sự đố kỵ là một dạng tâm lý tiêu cực liên quan đến bản chất con người. Với lứa tuổi muốn thể hiện mình, tính đố kỵ lại càng mạnh mẽ và dữ dội hơn. Khi thấy người khác hơn mình, họ thường nảy sinh tâm lý ghen ghét xen lẫn sự ngưỡng mộ, khâm phục.
Trong xã hội hiện nay, tâm lý ganh ghét, đố kỵ càng trở nên phổ biến. Tính đố kỵ thường không thích những ai có điều gì đó hơn mình. Khi đi học, ghen ghét với người học giỏi hơn, tại cơ quan đố kỵ với người giỏi chuyên môn, được tín nhiệm, đạt nhiều danh hiệu cao quý hơn. Tính đố kỵ dễ sinh ra ác tâm, luôn mang trong lòng sự thù ghét, thậm chí nghĩ ra cách làm hại người khác để thỏa mãn mình..
Ganh ghét, đố kỵ hầu như thể hiện ở mọi lúc, mọi nơi, mọi lĩnh vực và mọi mặt trong cuộc sống. Nó cũng đa dạng về sắc thái và cung bậc tình cảm. Một nhà văn người Pháp đã nhận định: “Người có tính đố kỵ sẽ khổ sở hơn bất cứ một người bất hạnh nào. Bởi vì hạnh phúc của người khác càng lớn bao nhiêu thì nỗi bất hạnh trong lòng anh ta sẽ nhân lên bấy nhiêu”.
Bởi thế, sự ganh ghét, đố kỵ sẽ phá hoại mối quan hệ giữa người với người. Vì ganh ghét, đố kỵ mà hòa khí bị rạn nứt, đổ vỡ, sức mạnh đoàn kết và sự hợp tác của tập thể bị tổn thương. Lòng ganh ghét, đố kỵ còn cản trở con người phát triển tài năng. Trong một tập thể chỉ cần phảng phất chút lòng ganh ghét, đố kỵ là nội bộ lủng củng, mất đoàn kết, mọi người khó sống thân thiện, thoải mái, chân tình với nhau, nhân tài sẽ không có môi trường thuận lợi để phát huy tác dụng.
Nguyên nhân của người có tính đố kỵ là do thiếu tự tin, mặc cảm, mà lại quá tự cao, tự đại. Có thể còn do lối sống cô độc, ít giao tiếp và thói quen hay chỉ trích, châm chọc người khác. Một số do cuộc sống thiếu tình cảm hoặc thường xuyên gặp thất bại trong cuộc sống, luôn cảm thấy người khác sung sướng, hạnh phúc và may mắn hơn mình.
Trong cuộc sống mỗi người, lòng đố kỵ là cuộc chiến mà ta phải loại trừ ngay từ đầu. Chúng ta vượt qua nó bằng cách, thay vì cứ nhìn theo người khác thì hãy nhìn lại mình. Nên mở rộng tầm mắt để thấy rằng: Núi cao sẽ còn có núi cao hơn; người này giỏi, tất có người khác sẽ giỏi hơn. Đây là quy luật khách quan trong cuộc sống mà tất cả chúng ta đều phải thừa nhận.
Mỗi người nên đề cao những sở trường của mình trong khả năng cho phép. Chỉ cần nhận rõ và tìm cách phát huy thế mạnh đó, biến sự đố kỵ thành động lực để tiếp tục phấn đấu và vươn đến thành công.
2. Chế ngự cảm xúc
Học cách đặt câu hỏi về sự đố kỵ mỗi khi nó xuất hiện. Ví dụ, tự nói với bản thân: “Có phải mình đố kỵ bởi vì mình cảm thấy sợ hãi hay giận dữ không? Tại sao mình lại cảm thấy sợ hay giận dữ lúc này?” Khi bạn bắt đầu đặt câu hỏi rằng điều gì đã khiến bạn đố kỵ ở hiện tại, bạn sẽ tạo ra những bước tích cực để điều chỉnh cảm xúc có tính xây dựng mà không phải lâm vào hoàn cảnh bị bao vây bởi cảm xúc tiêu cực thường đi kèm với sự đố kỵ.
3. Tìm ra nguồn gốc dẫn đến sự đố kỵ
Thật khó khăn để thừa nhận rằng bạn đang có những cảm xúc tiêu cực, và điều đó thường dẫn đến việc đổ lỗi cho người khác. Hãy tránh khỏi điều này bằng cách có cái nhìn bao dung về sự đố kỵ của mình. Xem xét tất cả cảm xúc liên quan đến sự đố kỵ và nghĩ ra từng nguyên nhân cho từng cảm xúc.
Ví dụ, nếu bạn cảm thấy ganh tỵ với bạn của người yêu/bạn đời, hãy nghĩ về tất cả phương hướng đưa đến cảm xúc này chỉ trong một câu nói. Có lẽ bạn cảm thấy sợ hãi bởi vì không muốn mất đi người yêu/bạn đời (hoặc có lẽ vì bạn đã đánh mất người thân yêu trong quá khứ), nỗi đau buồn khi nghĩ về sự mất mát, cảm giác bị phản bội vì bạn cảm thấy người yêu phải hoàn toàn giành hết sự chú ý cho bạn và cảm giác thiếu tự tin bởi vì bạn không chắc rằng mình xứng đáng được yêu thương.
Viết lại những phần ký ức khiến cảm xúc này trở nên trầm trọng hơn. Ví dụ, có thể bạn cảm thấy sợ hãi khi đánh mất người yêu/bạn đời bởi vì sự chia ly trong quá khứ thật sự đau đớn và bạn sợ rằng mình sẽ phải trải qua sự việc tương tự. Ví dụ, bạn cảm thấy mình không xứng đáng được yêu thương bởi vì bạn từng bị bố mẹ phớt lờ.
4. Lựa chọn tin tưởng.
Tin vào những người mà bạn yêu thương. Hãy lựa chọn tin tưởng thay vì nghi ngờ. Nếu bạn không có bằng chứng thuyết phục rằng ai đó đang lừa dối bạn, hãy chọn cách tin tưởng. Đừng lén lút đi tìm bằng chứng, hãy nhận ra chúng trong từng lời nói của những người thân yêu. Lòng đố kỵ chỉ có thể phá hủy mối quan hệ nếu bạn che giấu và đổ hết mọi lỗi lầm cho người khác.
5. Xin lỗi và giải thích
Hãy nói: “Em xin lỗi vì đã gây phiền toái khi nghi ngờ tình bạn của anh với Hoa. Không phải vì em không tin anh — Chẳng qua chỉ là em cảm thấy không an tâm. Cảm ơn anh vì đã lắng nghe em”. Điều này thường sẽ cho cả hai bạn đủ không gian để thảo luận việc gì đã diễn ra — nhận ra rằng bạn đang có cảm giác bất an và cả hai cần phải cởi mở với nhau nhiều hơn về những gì bạn đang trải qua.
6. Cởi mở về sự đố kỵ của bạn
Việc chia sẻ cảm xúc thật với bạn bè và người thân có thể giúp bạn xây dựng những mối quan hệ bền vững. Nó cũng sẽ truyền thêm sự tự tin cho những người mà bạn chia sẻ, để họ chỉ ra những lúc mà bạn có đòi hỏi vô lý, mang tính đố kỵ. Mặc dù bạn sẽ có cảm giác tổn thương khi thừa nhận tính đố kỵ của mình nhưng một mối quan hệ được gây dựng dựa trên sự thành thật sẽ bền vững hơn một mối quan hệ đầy giả dối.
- Tránh đổ lỗi cho người khác. Người khác không tạo nên những cảm giác tiêu cực cho bạn và chính bạn phải tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
- Áp dụng câu bắt đầu với “Tôi” thay vì nói bất cứ điều gì có liên quan đến cụm từ “Bạn làm tôi cảm thấy…” Thay vì nói: “Bạn không nên làm điều đó”, hãy nói rằng: ” Tôi cảm thấy kinh khủng khi chúng ta ở nơi công cộng và tôi không biết phải nói về bạn như thế nào nữa”.
- Phải hiểu rằng cách bạn nhận thức những tình huống có thể hoàn toàn ngớ ngẩn so với những gì người khác nhìn nhận về chúng. Bạn phải tình nguyện lắng nghe người đối diện nói ngay cả khi bạn không đồng ý.
7. Tìm kiếm sự giúp đỡ
Nếu bạn gây ra những tổn thương cho cơ thể, la hét, chửi mắng hay lén lút theo dõi người yêu/bạn đời, hãy tách bản thân khỏi họ ngay lập tức và tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên nghiệp. Bạn nên tìm bác sĩ để được giới thiệu đến một chuyên gia trị liệu hoặc tham gia lớp học kiềm chế cơn giận.
(st)